Một số suy nghĩ về viết chuyên đề trong giáo dục
Bạn đang xem tài liệu "Một số suy nghĩ về viết chuyên đề trong giáo dục", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- mot_so_suy_nghi_ve_viet_chuyen_de_trong_giao_duc.doc
Nội dung text: Một số suy nghĩ về viết chuyên đề trong giáo dục
- MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VIẾT CHUYÊN ĐỀ TRONG GIÁO DỤC (Hồ Quang Tuyến) Những năm gần đây phong trào viết chuyên đề, sáng kiến kinh nghiệm (SKKN), giải pháp hữu ích (GPHI) được ngành giáo dục chú trọng nhằm tìm ra những giải pháp mới, những điển hình tiên tiến giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Đã có nhiều chuyên đề, SKKN, GPHI thực sự có giá trị trong việc đổi mới phương pháp dạy học, quản lý. Nhiều sáng kiến đã được nhân rộng góp phần làm giáo dục Việt Nam khởi sắc. Tuy nhiên, việc viết chuyên đề, SKKN, GPHI trong nhà trường, nhất là các trường THPT hiện nay có nhiều vấn đề cần xem lại. Viết chuyên đề hay SKKN phải xuất phát từ thực tiễn công tác, khi đó xuất hiện những vấn đề khiến giáo viên, nhà quản lý giáo dục trăn trở, tìm giải pháp để giải quyết những khó khăn ấy và khi các giải pháp đưa ra phát huy hiệu quả, người thực hiện sẽ ghi chép lại để phổ biến rộng rãi gọi là SKKN; còn chuyên đề được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lí luận và khảo sát thực trạng, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của vấn đề mà người nghiên cứu thực hiện. Hiện nay nhiều trường đưa việc viết chuyên đề vào công tác thi đua nên có không ít chuyên đề, SKKN được giáo viên lấy từ trên mạng, thay đổi chút đỉnh về địa bàn nghiên cứu thành chuyên đề của mình. Đây là hình thức “đạo văn”, ăn cắp bản quyền rất đáng lên án, làm mất đi sự trong sáng của môi trường sư phạm, nếu không sớm ngăn chặn thì sẽ trở thành “dịch” trong giáo dục. Chúng ta dạy học sinh trung thực thì không thể có chuyện “đạo chuyên đề” được. Có một sự thật là nhiều giáo viên không biết viết một chuyên đề hay SKKN như thế nào, kể cả hiệu trưởng cũng lúng túng khi hướng dẫn cho giáo viên. Họ, những giáo viên và các nhà quản lý, lúng túng bởi lẽ hướng dẫn viết chuyên đề mỗi nơi một kiểu. Thực tế viết chuyên đề là hình thức nghiên cứu khoa học giáo dục trong nhà trường, ngoài tác dụng giúp nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường, viết chuyên đề còn làm cơ sở cho giáo viên được làm quen với công tác nghiên cứu và đào tạo trên chuẩn. Trước thực tế đó, trên cơ sở nghiên cứu các
- hướng dẫn viết chuyên đề và dựa trên hướng dẫn viết luận văn thạc sỹ, tôi xin đưa ra một số trao đổi về cách viết chuyên đề như sau: 1. Chọn đề tài viết chuyên đề Đa số giáo viên chưa chú ý giới hạn của đề tài. Ví dụ: “Phương pháp dạy hình học không gian lớp 11”, “ Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Ngữ văn 12” , “Giúp học sinh học tốt ngữ pháp Tiếng Anh 12” là những đề tài nghe rất “kêu”, giống tên một cuốn sách tham khảo trên thị trường. Thực tế tên đề tài đó cho thấy phạm vi nghiên cứu rộng, địa bàn nghiên cứu và đối tượng nghiên cứu rất không cụ thể. Khác với luận văn thạc sỹ phạm vi nghiên cứu thường được giới hạn trong địa bàn một huyện, luận án tiến sỹ phạm vi nghiên cứu rộng hơn, một tỉnh hoặc một khu vực, chuyên đề, hay SKKN phạm vi nghiên cứu giới hạn trong nhà trường nơi người viết công tác, do vậy nhất thiết tên đề tài phải ghi rõ địa bàn nghiên cứu là trường phổ thông nơi người nghiên cứu tiến hành khảo sát. Nếu không giới hạn ở tên đề tài ngoài tờ bìa thì nhất thiết người nghiên cứu phải để trong phần giới hạn của đề tài ở phần mở đầu. Như vậy tên đề tài nhất thiết phải chứa đựng đối tượng nghiên cứu và địa bàn nghiên cứu. 2. Bố cục của một chuyên đề Thực tế cho thấy chưa có văn bản chính thức của Bộ giáo dục quy định bố cục của một chuyên đề (và của một luận văn). Tìm hiểu trên mạng Internet ta dễ thấy mỗi sở giáo dục quy định mỗi kiểu khác nhau, kể cả biểu điểm chấm. Tuy nhiên đều thống nhất ở việc mỗi chuyên đề, SKKN hay GPHI đều phải xuất phát từ thực trạng từ đó đưa ra giải pháp mới cho vấn đề nghiên cứu. Ngay trong một trường các giáo viên viết chuyên đề cũng không thống nhất về bố cục của một chuyên đề. Trước thực tế này tôi xin đưa ra hướng dẫn mẫu bố cục của một chuyên đề cấp trường như sau:
- Tờ bìa: SỞ TRƯỜNG Tên tác giả TÊN CHUYÊN ĐỀ Chuyên đề cấp trường năm học ., tháng năm 201 Tên tác giả viết chữ thường, in đậm, cách 1/3 từ đỉnh, tên chuyên đề in hoa, đậm, chính giữa trang bìa. Sau trang bìa là mục lục. Phần chính của chuyên đề gồm: phần mở đầu, chương 1, chương 2, chương 3, kết luận và khuyến nghị, cuối cùng có phần tài liệu tham khảo và phụ lục (nếu có). Cụ thể từng phần như sau: Phần mở đầu (khoảng 3 - 5 trang)[ đặt chính giữa trang] 1. Lí do chọn đề tài Người viết trả lời câu hỏi: Tại sao chọn đề tài này? Từ đó nêu tính cấp thiết của đề tài ( có thể trích dẫn các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên). 2. Mục đích nghiên cứu Trả lời câu hỏi: Nghiên cứu để làm gì? 3. Đối tượng nghiên cứu Trả lời câu hỏi: Nghiên cứu cái gì? (không ghi địa bàn nghiên cứu. Ví dụ: đối tượng nghiên cứu của chuyên đề là biện pháp/ giải pháp nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh cho HS lớp 10) 4. Giới hạn địa bàn nghiên cứu và khách thể khảo sát Ghi rõ địa bàn nghiên cứu là ở trường nào, khách thể khảo sát là ai (giáo viên, học sinh khối lớp nào, số lượng cụ thể) 5. Nhiệm vụ nghiên cứu Ghi : - Nghiên cứu lí luận - Nghiên cứu thực tiễn
- - Đề xuất giải pháp Chương 1 (khoảng 7 – 10 trang) Dùng tên đề tài làm tên chương. Đây là chương lí luận chung về đề tài nên không được ghi địa bàn nghiên cứu. Bắt đầu bằng Cơ sở lí luận của (tên đề tài, bỏ địa bàn) 1.1. Lịch sử nghiên cứu của vấn đề Kể tên các công trình nghiên cứu có giống với đề tài mà mình biết (trên địa bàn huyện, tỉnh, thậm chí cả nước nếu biết), khẳng định tính mới của đề tài (tức là đề tài này từ trước đến nay tại trường mình chưa có ai nghiên cứu). 1.2. Các khái niệm Tên đề tài có từ/ cụm từ nào thì phải dùng khái niệm giải thích từ/ cụm từ đó. Giải thích các khái niệm liên quan đến tên đề tài phải có dẫn chứng từ nguồn nào, tác giả. Ngoài làm rõ các khái niệm, người viết cần làm rõ thêm vấn đề nghiên cứu trên cơ sở lí luận. Cuối chương 1 có phần tiểu kết chương Chương 2 (nhiều trang hơn chương 1, khoảng 10 – 15 trang) Dùng tên đề tài làm tên chương, có chữ Thực trạng ở đầu. 2.1. Vài nét về địa bàn nghiên cứu Giới thiệu địa bàn (trường) mình nghiên cứu, chú ý trọng tâm ở nội dung mình nghiên cứu 2.2. Thực trạng ( ghi thực trạng đối tượng và vấn đề nghiên cứu trong đề tài) Nội dung thực trạng phải vừa định tính vừa định lượng để nhấn mạnh vấn đề nghiên cứu và tăng tính thuyết phục (có bảng khảo sát). 2.3. Đánh giá thực trạng Ghi thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân hoặc ghi mặt mạnh, mặt yếu, nguyên nhân. Tiểu kết chương 2
- Chương 3 (số lượng trang bằng hoặc nhiều hơn chương 2, nhất thiết phải nhiều trang hơn chương 1) Là tên của đề tài (ghi chính xác và đầy đủ tên đề tài). Phần này người viết đề xuất các biện pháp và khảo nghiệm tính khả thi. Nội dung gồm : 3.1. Nguyên tắc đề xuất 3.2. Đề xuất các biện pháp . . . . Người viết ghi: Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn tôi xin đề xuất một số biện pháp nhằm như sau: Biện pháp 1 ghi 3.2.1. Biện pháp 2 ghi : 3.2.2 Lưu ý: Biện pháp đưa ra phải xuất phát từ thực trạng ở chương 2, thông thường nên lựa chọn vấn đề nổi cộm nhất cần phải thay đổi, theo thứ tự nội dung nào quan trọng nhất, cấp thiết nhất thì đưa ra trước. 3.3. Mối quan hệ giữa các biện pháp đề xuất 3.4. Khảo nghiệm tính cần thiết, khả thi của các biện pháp đề xuất Tiểu kết chương 3 Kết luận và khuyến nghị 1. Kết luận 2. Khuyến nghị Sau cùng là Tài liệu tham khảo, xếp theo thứ tự ABC của tên tác giả, cách viết như sau: tên tác giả hoặc cơ quan ban hành văn bản (chữ thường, sau không có dấu phẩy) tên tác phẩm hoặc văn bản (chữ nghiêng, sau có dấu phẩy), nhà xuất bản, năm xuất bản. Ví dụ: Vũ Dũng, Giáo trình tâm lí học quản lí, NXB ĐHSP, Hà Nội. Nếu tham khảo từ trang web thì ghi : Tên nội dung (in nghiêng) [ trực tuyến]. Địa chỉ : http:// www [ truy cập ngày ]
- Ví dụ : Chiến lược phát triển kinh tế xã hội [ trực tuyến]. Tạp chí xây dựng Đảng. Địa chỉ : xaydungdang. org. vn [ truy cập 15/4/2013] Sau tài liệu tham khảo có thể có phần Phụ lục (nếu có) 3. Cỡ chữ, phông chữ, cách viết các tiểu mục Luận văn thạc sỹ thường có số trang từ 80 – 120 trang, khóa luận tốt nghiệp đại học có số trang từ 50 đến 80 trang, còn chuyên đề thường ít trang hơn, từ 30 – 50 trang. Việc bố trí số trang cho từng chương phải phù hợp trong đó chương 2 và 3 phải nhiều trang hơn chương 1. Chú ý phông chữ và cách trình bày như sau: - Số thứ tự của trang ở chính giữa, phía trên và bắt đầu đánh từ phần lời nói đầu cho tới phần kết luận. - Dùng font chữ "Times New Roman", cỡ chữ từ 13 đến 14, cách dòng từ 1.3 đến 1.5 lines. - Lề trên, lề dưới là 2,5 cm; lề trái là 3 cm; lề phải là 3 cm. - Các chương, mục, tiểu mục phải ghi rõ và đánh số thứ tự theo quy tắc chung của Bộ GD&ĐT (chương 1 bắt đầu từ 1.1, chương 2 bắt đầu từ 2.1, chương 3 bắt đầu từ 3.1 ); đánh số của mục chỉ lấy đến 4 chữ số, các mục dưới 4 chữ số thì dùng a,b,c, ; những mục cùng cấp độ (ví dụ : 2.1, 2.2, 2.3 ) thì dùng cùng font chữ giống nhau. Sau tên tiểu mục không có dấu chấm hoặc dấu hai chấm. Lưu ý: Không được dùng chữ số La Mã. Trên đây là một số suy nghĩ và hướng dẫn viết chuyên đề trong giáo dục. Những suy nghĩ trên mang tính chất cá nhân, rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của quý thầy cô cùng quan tâm./.