Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học sinh Lớp 12 ở trường THPT Vĩnh Linh
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học sinh Lớp 12 ở trường THPT Vĩnh Linh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
File đính kèm:
- sang_kien_kinh_nghiem_ren_ki_nang_viet_doan_van_nghi_luan_xa.doc
Nội dung text: Sáng kiến kinh nghiệm Rèn kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học sinh Lớp 12 ở trường THPT Vĩnh Linh
- MỤC LỤC PHẦN MỞ ĐẦU 1 I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1 II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU 1 III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU 1 IV. ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT, THỰC NGHIỆM 1 V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2 VI. PHẠM VI, KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU 2 PHẦN NỘI DUNG 3 I. CƠ SỞ LÝ LUẬN 3 II. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ KHI VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CỦA HỌC SINH 4 III. GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ KHI VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CỦA HỌC SINH 7 IV. KẾT QUẢ THỰC HIỆN 10 PHẦN KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 11 I. KẾT LUẬN 11 II. KIẾN NGHỊ 11 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
- PHẦN MỞ ĐẦU I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI T.A.Ê-đi-xơn – một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử nhân loại đã từng nói: Giá trị của một ý tưởng nằm ở cách sử dụng nó. D.Ca-ne-giơ cũng từng khẳng định: Tri thức chưa có sức mạnh chừng nào còn chưa được áp dụng. Điều đó thực sự đúng đắn đối với bộ môn Ngữ văn. Với đặc thù riêng của môn học, Ngữ văn không chỉ đòi hỏi người học tích lũy kiến thức mà quan trọng hơn, phải biết chuyển tải kiến thức vào những bài văn mang tính thực hành. Nghĩa là, người học phải biết vận dụng kiến thức và đặc biệt, phải nắm vững kĩ năng làm văn. Môn Ngữ văn bao gồm ba phân môn cụ thể: Đọc văn, Tiếng Việt và Làm văn. Mỗi phân môn vừa có vai trò riêng vừa có mối quan hệ chặt chẽ mang yếu tố tích hợp cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang. Trong đó, phân môn Làm văn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc rèn luyện kĩ năng thực hành, sáng tạo cho học sinh. Ở bậc học THPT, học sinh chủ yếu được học tập, rèn luyện kiểu bài nghị luận. Trong đó, dạng bài nghị luận xã hội nhằm mục đích tăng cường sự gắn bó của học sinh với đời sống xã hội; hình thành, bồi dưỡng kĩ năng sống cho học sinh; đặc biệt tạo cho học sinh năng lực chủ động đề xuất, phát biểu những suy nghĩ của mình trước nhiều vấn đề trong cuộc sống Năm học 2016 – 2017, Bộ Giáo dục – đào tạo tiếp tục đổi mới thi cử theo lộ trình đã đề ra. Đối với bộ môn Ngữ văn, sự thay đổi về thời gian làm bài thi (từ 180 phút xuống 120 phút) đã đưa đến sự thay đổi về cấu trúc, dung lượng đề thi THPT Quốc gia. Cụ thể, việc đổi mới rõ nhất chính là ở phần Làm văn, câu nghị luận xã hội: từ yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội khoảng 600 chữ ở những năm học trước (3,0 điểm) chuyển sang yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ (2,0 điểm). Sự thay đổi đó tạo nên một áp lực không nhỏ đối với cả học sinh lẫn giáo viên trong quá trình ôn tập, chuẩn bị cho kì thi THPT Quốc gia. Vậy làm thế nào để giúp các em học sinh có được kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội đúng chuẩn? Làm thế nào để các em học sinh có thể chuyển tải những tri thức về cuộc sống trong những bài viết, bài thi của mình? Xuất phát từ những trăn trở và yêu cầu thực tế của việc dạy Văn, với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả dạy học phần nghị luận xã hội nói riêng và môn Ngữ văn nói chung; tôi lựa chọn đề tài: Một số kinh nghiệm rèn kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 12 ở trường THPT Vĩnh Linh. II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU - Về phía giáo viên: sáng kiến giúp giáo viên tiếp tục nghiên cứu, rút kinh nghiệm để nâng cao năng lực chuyên môn. - Về phía học sinh: Giúp các em phát huy được năng lực làm bài viết đoạn văn nghị luận xã hội đáp ứng yêu cầu việc đổi mới kiểm tra đánh giá của Bộ GD-ĐT. III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU - Phân môn Làm văn trong nhà trường THPT, cụ thể là văn nghị luận xã hội - Cấu trúc một đoạn văn - Cách viết một đoạn văn nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý hoặc một hiện tượng đời sống - Học sinh lớp 12 chuẩn bị tham gia kỳ thi THPT Quốc gia IV. ĐỐI TƯỢNG KHẢO SÁT, THỰC NGHIỆM Sáng kiến được áp dụng trong thực tế giảng dạy môn Ngữ văn đối với học sinh lớp 12A6, 12B4 (năm học 2017-2018) và lớp 12A3, 12B1(năm học 2018-2019) tại trường THPT Vĩnh Linh – Quảng Trị.
- V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU - Phương pháp tổng hợp - Phương pháp phân tích - Phương pháp khảo sát thực tế - Phương pháp so sánh - Phương pháp thống kê VI. PHẠM VI, KẾ HOẠCH NGHIÊN CỨU - Năm học 2016-2017: Tổng hợp, phân tích tài liệu nghiên cứu; định hướng cấu trúc vấn đề nghiên cứu, áp dụng ở lớp 12A5. - Năm học 2017- 2018, 2018-2019: tiếp tục áp dụng đề tài vào giảng dạy môn Ngữ Văn ở các lớp 12A6, 12B4; 12A3, 12B1; rút kinh nghiệm và hoàn thiện đề tài nghiên cứu.
- PHẦN NỘI DUNG I. CƠ SỞ LÍ LUẬN I.1. Khái luận về văn nghị luận * Khái niệm: Có nhiều cách hiểu về văn nghị luận, nhưng trong phạm vi chương trình Làm văn ở Trung học phổ thông, có thể hiểu: Văn nghị luận là kiểu bài phát biểu ý kiến, bày tỏ nhận thức, đánh giá và thái độ của người viết về một vấn đề nào đó bằng những luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng cụ thể. * Văn nghị luận có những đặc điểm nổi bật như: tính trí tuệ, tính biện luận, tính thuyết phục. Trong đó, tính trí tuệ thể hiện ở lí lẽ sâu sắc; tính biện luận thể hiện ở kĩ năng vận dụng các thao tác lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bình luận, bác bỏ, đề làm rõ các khía cạnh của vấn đề; tính thuyết phục ở khả năng làm cho người đọc hiểu và tin vào quan điểm, hướng nghị luận của người viết bằng sức mạnh của tư tưởng, lí lẽ, phương pháp luận giải và bằng tình cảm chân thành, say mê chân lí. I.2. Khái luận về văn nghị luận xã hội * Khái niệm: Nghị luận xã hội là bàn bạc, bày tỏ suy nghĩ, nhận thức của người viết về một vấn đề tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng phổ biến đang diễn ra trong đời sống xã hội. Yêu cầu khả năng tư duy độc lập, tự chủ, óc sáng tạo và chủ động lựa chọn nội dung cũng như cách trình bày về một vấn đề xã hội. Để làm tốt bài văn, đoạn văn NLXH, về cơ bản cần có kiến thức và kĩ năng. * Yêu cầu chung khi làm bài văn, đoạn văn NLXH: - Về nội dung: người viết phải phát biểu được, nêu ra được những suy nghĩ, quan điểm, nhận thức của mình về một vấn đề xã hội mà đề bài yêu cầu; thấy được ý nghĩa thiết thực của vấn đề đó đối với bản thân mình, với thế hệ trẻ và với cả xã hội.Tùy từng đề bài cụ thể mà huy động những dẫn chứng thích hợp để minh họa cho những kiến giải của mình. - Về cách thức làm bài, người viết phải vận dụng các thao tác lập luận đã học để giải thích, phân tích và bình luận vấn đề, làm cho vấn đề được nhìn nhận dưới các góc độ khác nhau; hành văn ngắn gọn, chắc chắn. Sức hấp dẫn của bài văn chủ yếu là những lí lẽ sắc sảo, được trình bày một cách rõ ràng, khúc chiết. Bên cạnh đó, để tư tưởng bài văn, đoạn văn và hướng nghị luận được đúng đắn thì người viết cần trang bị cho mình một thế giới quan, nhân sinh quan, một lí tưởng sống đúng đắn. Bởi NLXH không chỉ hấp dẫn ở những luận điểm sâu sắc, mới mẻ, độc đáo mà còn hấp dẫn người đọc ở chính thái độ, tình cảm và nhiệt tình của người viết. I.3. Đoạn văn * Khái niệm: Đoạn văn là đơn vị trực tiếp tạo nên văn bản, bắt đầu từ chữ viết hoa lùi đầu dòng, kết thúc bằng dấu chấm xuống dòng và thường biểu đạt một ý tương đối hoàn chỉnh. * Đặc điểm của đoạn văn: - Đoạn văn thường do nhiều câu tạo thành; trong đó có câu mở đoạn (câu có nhiệm vụ giới thiệu đối tượng, vấn đề được bàn đến trong đoạn văn); các câu khai triển (thuyết minh, mở rộng cho câu chủ đề) và câu kết (có nhiệm vụ báo hiệu đoạn văn kết thúc, lưu ý người đọc những điểm chính của đoạn văn và có thể chuẩn bị cho đoạn văn tiếp theo). - Mỗi đoạn văn có một kiểu cấu trúc nhất định. Kiểu cấu trúc của đoạn văn thể hiện cách thức, phương hướng phát triển chủ đề và hướng lập luận của đoạn. Trong đó, có các kiểu cấu trúc đoạn văn thường thấy như sau
- + Đoạn có cấu trúc diễn dịch: Là đoạn văn trong đó có câu chủ đề (câu mang ý khái quát của toàn đoạn) nằm ở vị trí đầu đoạn, các câu còn lại triển khai và cụ thể hóa cho câu chủ đề. + Đoạn có cấu trúc quy nạp: Là đoạn văn có câu chủ đề ở vị trí cuối đoạn như là một sự đúc kết lại nội dung của các câu đã trình bày trước nó. + Đoạn có cấu trúc tổng – phân – hợp: Là đoạn văn phối hợp của hai kiểu cấu trúc diễn dịch và quy nạp. Câu đầu đoạn mang ý khái quát của toàn đoạn (thường được gọi là câu mở đoạn). Các câu tiếp theo triển khai và cụ thể hóa cho câu mở đầu đoạn (còn được gọi là câu thân đoạn). Câu cuối đoạn như một sự khái quát, đúc kết lại những gì đã trình bày trong những câu đứng trước và có thể chuyển sang một ý mới (được gọi là câu kết đoạn). + Đoạn có cấu trúc song hành: Là đoạn văn không có câu chủ đề. Mỗi câu trong đoạn triển khai một hướng của chủ đề. Các câu có quan hệ ngang hàng, bình đẳng về ngữ pháp. + Đoạn có cấu trúc móc xích: Là đoạn văn không có câu chủ đề; chủ đề đoạn được triển khai theo hướng ý của câu sau kế tục ý của câu trước, cứ như thế cho đến hết đoạn. I.4. Đoạn văn nghị luận * Khái niệm: Là đoạn văn thuộc bài văn nghị luận, trong đó người viết trình bày một tư tưởng, một quan điểm về một vấn đề thuộc lĩnh vực văn học hoặc đời sống. Hay nói cách khác, đoạn văn nghị luận là đoạn văn có nhiệm vụ làm sáng rõ một luận điểm, từ đó thuyết phục người đọc, người nghe đồng tình với quan điểm của người viết. * Đoạn văn nghị luận cần sử dụng các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, phân tích, so sánh, bình luận, bác bỏ (có thể sử dụng kết hợp tất cả hoặc một số thao tác tùy thuộc yêu cầu của đề bài). II. THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ KHI VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CỦA HỌC SINH LỚP 12 II.1. Thực trạng II.1.1. Thực tế yêu cầu trong đề thi THPT Quốc gia của Bộ GD- ĐT Năm học 2016-2017, Bộ GD- ĐT tiếp tục đổi mới thi cử theo lộ trình đã đề ra. Với môn Ngữ văn, có sự thay đổi về thời gian làm bài thi, kéo theo sự thay đổi về cấu trúc, dung lượng đề thi. Thời gian làm bài từ 180 phút xuống 120 phút; đặc biệt ở phần Làm văn, câu nghị luận xã hội từ yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội khoảng 600 chữ (3,0 điểm) chuyển sang yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ (2,0 điểm), nội dung có sự tích hợp kiến thức với phần Đọc hiểu theo hướng vận dụng cao. Thực tế này đã khiến cho giáo viên, học sinh không khỏi lo lắng và lúng túng để tìm ra giải pháp đáp ứng được yêu cầu tốt nhất khi viết đoạn văn nghị luận xã hội. Vì các em đã quen với cách viết một bài văn nghị luận xã hội, hơn nữa trong chương trình giảng dạy SGK cũng chỉ có hai bài học Nghị luận về tư tưởng đạo lí và Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Vậy, Với dung lượng, thời lượng có hạn định, làm sao đoạn văn vừa có thể đảm bảo đủ nội dung vừa lập luận chặt chẽ, thuyết phục? II.1.2. Thực trạng giảng dạy của giáo viên Có thể khẳng định, nhiều giáo viên Ngữ văn rất tâm huyết với nghề, đã chú trọng đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng kết hợp cung cấp lí thuyết với rèn kĩ năng thực hành cho học sinh.