Sáng kiến kinh nghiệm Phụ đạo cho học sinh yếu

doc 5 trang sangkien 26/08/2022 10680
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Phụ đạo cho học sinh yếu", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

File đính kèm:

  • docsang_kien_kinh_nghiem_phu_dao_cho_hoc_sinh_yeu.doc

Nội dung text: Sáng kiến kinh nghiệm Phụ đạo cho học sinh yếu

  1. A. Lý do chọn đề tài Vào một năm học mới, sau khi ổn định tổ chức, giáo viên phải tìm hiểu và phân loại học sinh để có biện pháp bồi dưỡng, giúp đỡ học sinh học tập các bộ môn, đặc biệt là môn Toán. Trong thực tế giảng dạy hiện nay, chúng ta thường xuyên gặp những học sinh học tập yếu kém mà các thầy cô giáo có lương tâm và trách nhiệm không thể hờ hững được vì đây là nhiệm vụ của mình. Do yêu cầu phổ cập giáo dục và chất lượng thực chất của học sinh trong một lớp học đại trà chưa đạt chuẩn nên điều tất yếu là ở trong các lớp đó thường có một số học sinh học yếu hai bộ môn Văn, Toán do bị hổng các kiến thức và kỹ năng cơ bản. Nhiệm vụ được đặt ra là người giáo viên phụ trách lớp phải cố gắng giúp đỡ các em này nhanh chóng theo kịp được với mặt bằng kién thức chung của lớp mình. B. Cơ sở lý luận Lý luận và thực tiễn cho thấy: - Một học sinh bình thường về mặt tâm lý không có bệnh tật đều có khả năng tiếp thu môn Toán theo yêu cầu phổ cập của chương trình Toán Tiểu học. - Những học sinh từ trung bình trở xuống: Các em có thể học đạt yêu cầu của chương trình nếu được hướng dẫn một cách thích hợp. Qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy: + Với môn Toán, hầu hết các học sinh yếu đều có một nguyên nhân chung là: kiến thức ở các lớp dưới bị hổng; không có phương pháp học tập; tự ti. rụt rè, thiếu hào hứng trong học tập. + Ở mỗi học sinh yếu bộ môn Toán đều xó nguyên nhân riêng, rất đa dạng. Có thể chia ra một số loại thường gặp là: 1. Do quên kiến thức cơ bản, kỹ năng tính toán yếu. 2. Do chưa nắm được phương pháp học môn Toán, năng lực tư duy bị hạn chế (loại trừ những học sinh bị bệnh lý bẩm sinh). Nhiều học
  2. sinh thể lực vẫn phát triển bình thường nhưng năng lực tư duy toán học kém phát triển. 3. Do lười học. 4. Do thiếu điều kiện học tập hoặc do điều kiện khách quan tác động - học sinh có hoàn cảnh đặc biệt (gia đình xảy ra sự cố đột ngột, hoàn cảnh éo le ). Xác định rõ một trong những nguyên nhân trên đối với mỗi học sinh là điều quan trọng. Công việc tiếp theo là giáo viên có biện pháp để xoá bỏ dần các nguyên nhân đó, nhen nhóm lại lòng tự tin và niềm hứng thú của học sinh đối với việc học môn Toán. C. Những biện pháp cụ thể để giảm dần số lượng học sinh học yếu môn Toán. Với đối tượng loại 1: Vì kiến thức ở lớp dưới của các em bị hổng, không thể nào bù đắp ngay được trong một thời gian ngắn. Tôi dặt quyết tâm trong suốt cả năm học, đặc biệt là học kì I để giúp nhóm học sinh loại này lấp dần các lỗ hổng kiến thức. Đối với những học sinh này phải có thêm thời gian học dưới sự hướng dẫn lại tỉ mỉ những kiến thức cơ bản, trọng tâm theo một hệ thống riêng và yếu tố dẫn đến thành công là nắm chắc, luyện kĩ. Trong các buổi học trên lớp thường được kiểm tra, rà soát và củng cố các kiến thức, chấm bài tay đôi trong tiết luyện tập, thường xuyên khích lệ động viên mỗi khi các em được điểm cao hơn. Do đó các học sinh này có nhiều tiến bô; cụ thể là: thích học toán, hay xung phong lên bảng Với đối tượng loại 2: Vấn đề cơ bản là giúp các em lấy lại lòng tự tin, phát huy được những tố chất cơ bản đang tiềm ẩn trong mỗi em trong việc học tập môn Toán. Phương pháp trực quan, hệ thống các bài tập từ dễ đến khó, tìm các cách giải khác nhau cùng với các câu hỏi vừa sức, các bài toán vui, các bài toán gắn với thực tế chính là chìa khoá để giải quyết vấn đề. Với đối tượng loại 3:
  3. Những học sinh này trong lớp thường không chú ý nghe giảng, mỗi khi làm bài kiểm tra tại lớp thường cẩu thả, không có ý thức kiểm tra lại bài làm. Cô giáo nhắc nhở thì xem lại qua loa cho xong chuyện. Bài tập và bài học ở nhà không chuẩn bị chu đáo trước khi đến lớp. Tóm lại, đối với diện học sinh này cần có sự kết hợp chặt chẽ với phụ huynh nhằm quản lý việc học ở nhà và việc kiểm tra nhắc nhở thường xuyên ở lớp để từng bước đưa các em vào nền nếp học tập. Cách đây 2 năm, ở lớp tôi chủ nhiệm có một trường hợp làm tôi buồn phiền. Em Minh là một học sinh giỏi toán năm lớp 3. Đầu năm học tập bình thường nhưng đến cuối học kì I đầu học kì II bỗng học sút hẳn đi do tính Minh hiếu động, ham chơi. Bài tập ở nhà Minh làm một cách qua loa, chiếu lệ. Đến lớp thường ít nghe giảng, hay nói chuyện và làm việc riêng. Bố mẹ lại bận không quan tâm đôn đốc, kiểm tra thường xuyên. Xu hướng học kiểu “Tài tử”biểu hiện rõ. Một lần làm bài kiểm tra tại lớp, Minh làm xong trước tiên, đem nộp bài rồi ngồi chơi. Xem qua bài của em tôi thất vọng quá. Tôi gọi em lên và bảo: - Con xem lại bài đi! Bây giờ vẫn còn nhiều thời gian, nếu cô chấm bài thì bài của con dưới điểm trung bình đấy! Minh cúi đầu, trả lời lí nhí: - Thưa cô, con ngại làm lại lắm ạ. Tôi thật buồn khi nghe Minh trả lời như vậy. Trường hợp của Minh học sút kém thuộc loại thứ 3 vừa nêu. Minh có năng lực học toán nhưng học tập sút kém do lười học. Tôi đã đến trao đổi với bố mẹ Minh đề nghị gia đình phối hợp kèm cặp. Riêng Minh tôi bắt đầu biện pháp kiểm tra thường xuyên, chú ý đồn đốc nhắc nhở, dùng dư luận tập thể phê phán, giúp đỡ. Giữa học kì II, khuyết điểm của Minh đã giảm nhiều. Cuối năm học, Minh là một trong những học sinh giỏi của lớp. Với đối tượng loại 4: Các em này thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm. Tôi bố trí thời gian kèm cặp, lấp dần lỗ hổng kiến thức, hình thành dần phương pháphọc toán cho các em. Luôn khích lệ động viên để các em không bị mặc cảm, tự ti mà tự tin vào bản thân mình để từ đó vươn lên trong học tập. Với các
  4. em này, cô giáo phải hết lòng thương yêu, giúp đỡ. Cô là chỗ dựa tinh thần và tình cảm của các em. Sự tiến bộ của các em chính là phần thưởng vô giá đối với người giáo viên chủ nhiệm. Trong năm học này có một trường hợp khá đặc biệt ở lớp 3 của tôi. Đó là T.A, một học sinh bị hổng kiến thức hầu như ở cả lớp 1 và lớp 2. Em học yếu môn toán thuộc vào loại 1 và 4 đã nêu ở trên (học yếu do kiến thức cũ bị hổng và do thiếu điều kiện học tập). “Căn bệnh suy thoái toàn diện này” không thể chữa chạy trong một thời gian ngắn. Tôi đặt quyết tâm suốt học kì I để em có thể theo kịp các bạn trong lớp. Mỗi tuần tôi cùng học với em hai buổi, rà lại những kiến thức cơ bản nhất từ các lớp dưới. Tôi soạn cho T.A những bài tập riêng, cùng chấm bài tay đôi với em, có kế hoạch cụ thể với mẹ em trong việc kèm cặp con (bố mẹ T.A bỏ nhau, nhà lại nghèo, mẹ mắc bệnh tim đau ốm quanh năm). Ngoài việc dần dần hình thành phương pháp học toán cho em; ở lớp tôi, tôi thường xuyên khích lệ T.A, tổ chức các bạn cùng động viên và giúp đỡ. Cho tới nay, T.A đã tiến bộ hơn rất nhiều. Tât nhiên, T.A còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể học toán vững vàng nhưng tôi rất hy vọng ở T.A. D. Tự đánh giá kết quả. Trong quá trình giảng dạy bộ môn do luôn có ý thức lưu tâm giúp đỡ học sinh yêu Toán, tôi nhận thấy: • Chất lượng bộ môn toán tăng rõ rệt. • Học sinh loại 1, 2, 4 tăng rõ rệt. • Học sinh loại 3 tiến bộ chậm vì không phải phụ huynh nào cũng điều quan tâm đến con. • Riêng những học sinh phát triển thể chất bình thường nhưng năng lực tư duy yếu thì giáo viên phải mất rất nhiều thời gian kèm cặp các em mới đạt được mức trung bình. E. Kết luận Tóm lại, ở tất cả các trường hợp học sinh yếu môn Toán, việc quan tâm của giáo viên đến từng học sinh và phương pháp giảng dạy sát đối tượng, kịp thời khích lệ động viên, đáp ứng đúng những điều các em
  5. còn thiếu về kiến thức, kỹ năng và cách suy luận toán học sẽ giúp các em dần theo kịp yêu cầu về chất lượng học tập môn Toán ở cấp tiểu học Song nhiệm vụ chủ yếu của người thầy vẫn là sự tiến bộ chung của toàn lớp. Vì thế tôi nghĩ, trong trong tất cả các khâu soạn, giảng, kiểm tra người thầy vẫn phải lấy trình độ tiếp thu chung của lớp làm chuẩn mực để hướng tới. Vấn đề là, trong cái chuẩn mực chung ấy người thầy còn phải luôn luôn lưu tâm đến những em học yếu môn Toán, luôn dành cho các em một sự ưu ái, một thái độ khích lệ, động viên, những lời chỉ bảo ân cần và sự tiến bộ của các em trong học tập là phần thưởng vô giá đối với mỗi người giáo viên chúng ta. Trên đây là một vài kinh nghiệm của tôi trong việc giúp đỡ học sinh học yếu môn Toán. Hà Nội, ngày 1 tháng 4 năm 2005 Người viết Nguyễn Phương Thảo